TIẾT HỌC RẠNG RỠ NHỮNG NIỀM VUI (P2)
TÌM VỀ CỘI NGUỒN VÀ THÊM YÊU, THÊM TỰ HÀO VỀ ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI VIỆT NAM QUA TIẾT DẠY LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÝ BÀI “ĐỀN HÙNG VÀ LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG” CỦA CÔ TRÒ LỚP 4D
Trong các môn học của bậc Tiểu học, phân môn Lịch sử là phân môn “khô khan”, yêu cầu tái hiện những sự việc đã qua nên học sinh rất khó tiếp thu. Vì vậy, làm thế nào để các em thích học những giờ học lịch sử là một việc làm rất khó đối với giáo viên. Song bằng sự nhẹ nhàng cùng các hoạt động dạy học tạo hứng thú cho học sinh, cô giáo Vũ Thị Huyền đã đem đến cho học sinh sự hứng thú, vui vẻ và thêm tự hào về dân tộc và đất nước qua tiết học môn Lịch sử và Địa lý bài “Đền Hùng và Lễ giỗ Tổ Hùng Vương”. Trong phần khởi động, cô và trò cùng vận động theo nhạc bài hát “Dòng máu Lạc Hồng” khiến HS thực sự thích thú. Từ đó, học sinh có một tâm thế sẵn sàng, vui vẻ để bước vào bài học. Trong tiết học, cô giáo đã chú trọng dạy học theo định hướng phát triển năng lực, kết hợp linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cùng với việc sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại kết hợp với đồ dùng dạy học truyền thống một cách hiệu quả. Trong suốt tiết học, các em học sinh đã tích cực, chủ động, tự tin tham gia các hoạt động vô cùng thú vị. Các em học sinh lớp 4D rất hào hứng khi được khám phá, tìm hiểu các thông tin về khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng và lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Với cách dạy nhẹ nhàng, gần gũi, cô giáo đã khéo léo giúp học sinh nắm được kiến thức bài học một cách tự nhiên nhất. Các bạn nhỏ đã rất tích cực làm việc, trao đổi thảo luận sôi nổi, các em thể hiện sự tự tin, chủ động tiếp thu kiến thức mới. Thông qua các hoạt động, các bạn nhỏ đã được cô Huyền dẫn dắt để tìm hiểu về vị trí địa lí, các công trình kiến trúc tại khu di tích Đền Hùng. Học sinh dễ dàng ghi nhớ thời gian tổ chức lễ hội, các hoạt động được tổ chức trong lễ hội và ý nghĩa của của ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Hoạt động khám phá kiến thức mới đã giúp các em cảm nhận được Lịch sử và Địa lý thật quen thuộc và gần gũi, gắn với thực tiễn đời sống. Trong tiết học, cô giáo đã đưa các bạn đến tham quan với Đền Hùng.
Cô Huyền đã cung cấp và mở rộng rất nhiều thông tin lịch sử thú vị và bổ ích để làm giàu vốn hiểu biết của các em. Cô Huyền mong muốn rằng qua bài học này, các con không chỉ xác định được vị trí của khu di tích và các công trình nơi đây mà các con còn luôn ghi nhớ trong tim mình Ngày Quốc giỗ của đất nước hằng năm, ghi nhớ công ơn dựng nước của tổ tiên, tự hào về truyền thống dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn thấm nhuần trong mỗi học sinh. Với mục tiêu kết nối Lịch sử và Địa lý với thực tiễn cuộc sống, cách thiết kế bài giảng khoa học, chỉn chu, tiết dạy của cô Vũ Thị Huyền được Ban giám hiệu và các thầy cô trong trường đánh giá cao về sự tự tin của học sinh, tính hiệu quả trong phương pháp dạy học của giáo viên. Qua tiết dạy, các thầy cô giáo nhà trường có dịp học hỏi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, hiểu rõ về nội dung cũng như phương pháp và hình thức tổ chức các tiết học của môn Lịch sử và Địa Lí lớp 4 theo chương trình GDPT 2018 để có thêm nhiều ý tưởng mới trong công tác giảng dạy và là tiền đề, cơ sở để xây dựng kế hoạch dạy học môn học phù hợp với thực tế và có những tiết dạy sáng tạo và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Tin và bài: Tổ CM 4-5, trường TH Quang Minh